Tranh luận về bộ phim “Đất rừng phương Nam” từ rạp chiếu đến nghị trường Quốc hội

22:28 30-12-2024

Gần một tháng ra mắt, bộ phim “Đất rừng phương Nam” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) vẫn là cái tên gây tranh cãi từ phía khán giả xoay quanh tình tiết bị cho là làm sai lệch lịch sử. Ngày 8/11, bộ phim tiếp tục là vấn đề “nóng” trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tại phiên chất vấn vào sáng 8/11, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, phát biểu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng xoay quanh bộ phim “Đất rừng phương Nam” khi cho rằng “Nếu có các biểu hiện bôi nhọ và bêu xấu thì phải được nghiêm túc xử lý” là chưa thỏa đáng và cần phải nhìn nhận lại.

Đại biểu Trịnh Xuân An nêu ý kiến: “Dư luận thì có dư luận đúng, dư luận sai, có cái tốt, có cái xấu, không phải ý kiến nào được nêu ra cũng là để “đánh cho ai đó chết” mà là để góp ý, nêu quan điểm để làm cho mọi thứ rõ ràng, tốt đẹp hơn. Do đó, không nên đánh đồng các loại ý kiến, dư luận nhất là những góp ý để bảo vệ tính chân thực, bảo vệ sự thật, bảo vệ giá trị của lịch sử”

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, tránh việc bỏ qua dư luận hoặc coi thường dư luận để mọi việc đi quá xa và thành vấn đề nóng rồi mới có động thái là không ổn. Bộ phim “Đất rừng phương Nam” được hội đồng kiểm duyệt ngày 29/9 là bảo đúng nhưng đến ngày 15/10 thì đề nghị sửa sau khi lắng nghe dư luận. Rõ ràng, chất lượng kiểm định và trách nhiệm của Cục Điện ảnh chưa cao.

Đại biểu Trịnh Xuân Anh nhấn mạnh: “Chúng ta không thể xem nhẹ công tác giáo dục truyền thống, lịch sử. Bộ phim có thể hay ở góc độ điện ảnh, nghệ thuật, có thể lấy cảm hứng từ mọi nguồn nhưng với lịch sử, với văn hóa dân tộc thì phải luôn chân thực, trung thực và không được làm méo mó. Và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải làm rõ được đâu là hành vi sai trái để xử lý, đâu là dư luận đúng đắn để tôn vinh”.

Trả lời ý kiến đại biểu Trịnh Xuân An, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 18 của Luật Điện ảnh, bộ phim “Đất rừng phương Nam” đã được Hội đồng thẩm định phim quốc gia tiến hành thẩm định và khẳng định bộ phim không vi phạm pháp luật về điện ảnh, vì vậy được cấp phép để phổ biến.

Về nội dung trong bài phát biểu tại phiên thảo luận ngày 7/11, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Tôi có nói rằng, nếu có các biểu hiện bôi nhọ và bêu xấu thì phải được nghiêm túc xử lý. Ở đây tôi nói là nếu có, vì chúng ta đã có Luật An ninh mạng, có quy tắc xử lý nêu trong văn bản. Việc ý kiến khen - chê khác nhau là bình thường, nhưng chúng ta không thể chấp nhận thói trịch thượng, phán xét, quy chụp, bôi nhọ, bôi xấu”.

Nâng cao vai trò “người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”

Trước đó, bộ phim “Đất rừng Phương Nam” gây tranh cãi khi có tình tiết bị cho là làm sai lệch lịch sử. Cụ thể, bộ phim nhắc nhiều đến hoạt động của các tổ chức “Nghĩa hòa đoàn” và “Thiên Địa hội”. Đây là 2 cái tên trùng với những tổ chức liên quan đến phong trào và hội nhóm từ thời nhà Thanh của Trung Quốc.

Tranh cãi về bộ phim “Đất rừng phương Nam” từ rạp chiếu đến nghị trường Quốc hội

Theo đơn vị sản xuất phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam”, bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Bối cảnh phim thay đổi được lấy từ những năm 1920-1930, khác với tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi được xác định là năm 1945.

Tuy nhiên, trước sức ép dư luận, bộ phim buộc phải bỏ tên Thiên Địa hội - Nghĩa Hòa đoàn khỏi các lời thoại, thay bằng Chính Nghĩa hội - Nam Hòa đoàn và chỉnh sửa những chi tiết gây hiểu lầm. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, đứa con tinh thần của anh bị vùi dập, thóa mạ.

Từng là bộ phim nằm top đầu phòng chiếu Việt, đến nay sau 3 tuần khởi chiếu, bộ phim trượt dốc thảm hại về doanh thu. Hiện phim có doanh thu hơn 135 tỉ đồng.

Mặc dù con số doanh thu đảm bảo phim không bị lỗ, lọt top 3 phim Việt có doanh thu cao nhất năm 2023. Tuy nhiên, với doanh thu ảm đạm những ngày gần đây, phim được xem là thất vọng lớn so với dự báo trước đó là vượt mốc 200 tỉ đồng.

Ngày 6/11, đơn vị sản xuất phim “Đất rừng phương Nam” chính thức công bố phim khởi chiếu tại Úc với lịch chiếu được ấn định từ ngày 16/11 tới.

 

Có thể thấy, một tác phẩm điện ảnh hay sản phẩm giải trí, sau khi phát hành, tác phẩm đối diện với sự khen chê, bàn luận từ công chúng. Khi phát hiện vấn đề trong một tác phẩm, rõ ràng công chúng, khán giả có quyền lên tiếng, miễn là góp ý khách quan, với tinh thần xây dựng, văn minh.

Thực tế, trong danh sách giải thưởng điện ảnh thế giới, có giải thưởng Oscar danh giá dành cho các tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất thì cũng có giải thưởng “Mâm Xôi vàng” là một giải thưởng điện ảnh được trao cho những tác phẩm điện ảnh, các vai diễn, các hạng mục khác liên quan đến điện ảnh được coi là dở nhất trong năm của các bộ phim Mỹ.

Nhìn nhận khách quan, điện ảnh Việt nếu có giải “Mâm Xôi vàng” chắc chắn không ít tác phẩm điện ảnh, diễn viên sẽ được trao giải bởi chất lượng thảm họa nhiều năm qua.

Vì vậy, trách nhiệm của nhà làm phim, sáng tạo sản phẩm phải cần nhìn nhận nghiêm túc vai trò “người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, sáng tạo tác phẩm văn hóa tuân thủ quy định pháp luật, góp phần nâng cao đạo đức, thẩm mỹ, gắn liền với sự phát triển của xã hội.

phapluatxahoi.vn